Vùng địa lý của sâm Ngọc Linh ngày càng được mở rộng

Tính tới thời điểm hiện tại, đã có thêm 9 xã của Kon Tum được công nhận đủ điều kiện tự nhiên, canh tác, giống sâm trồng… phục vụ cho việc nuôi trồng sâm Ngọc Linh

Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thay thế quyết định cũ đối với việc chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Trước đây Kon Tum chỉ có hai xã Ngọc Lây và Măng Ri được công nhận có vùng chỉ dẫn địa lý đặc trưng. Nay Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thêm xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (huyện ĐăkGlei); xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông).

Ở Quảng Nam, huyện Nam Trà My là khu vực địa lý được công nhận chỉ dẫn đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

 

Khách hàng tìm hiểu sâm Ngọc Linh bán tại phiên chợ sâm Nam Trà My (Quảng Nam).

Vùng địa lý sâm Ngọc Linh nằm trên núi cùng tên, thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, độ cao từ 1.200 m đến 2.500 m, mật độ che phủ rừng trên 70%, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. Đây cũng là vùng có cả khí hậu nhiệt đới ẩm và khí hậu á nhiệt đới vùng núi cao, rất phù hợp với sự phát triển của cây sâm.

Sâm Ngọc Linh được trồng duy nhất trên nhóm đất xám, hình thành tại chỗ, phân bố trên nhiều dạng địa hình. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay do những tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù.

 Sâm Ngọc Linh bày bán tại hội chợ.

Do sở hữu 52 hợp chất saponin và khan hiếm nên thị trường xuất hiện nhiều sâm giả từ hạt, giống cây, củ, lá và hoa. Các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh được cho là có nguồn gốc từ tam thất hoang hoặc tam thất Vũ Diệp được chuyển từ phía Bắc vào nhưng nhìn bề ngoài rất khó phát hiện.

Để hỗ trợ cho việc phân biệt sâm thật – giả, mới đây Viện Nghiên cứu hệ gen thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã giải mã hệ gen lục lạp của sâm Ngọc Linh để nhận dạng loài nhanh. Nhóm nghiên cứu tìm kiếm được bốn chỉ thị có tiềm năng làm mã vạch phân tử cho phân loại sâm Ngọc Linh và các loài khác thuộc chi nhân sâm.

Hiện UBND các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã xây dựng và ban hành Quy chế quản lý, quy định rõ về quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh.

Hàm lượng saponin toàn phần trung bình của sâm Ngọc Linh:

4 năm là  7,15 ± 0,1411%;

5 năm là  8,91 ± 0,1375%;

năm là 10,67 ± 0,2792%;

7 năm là 12,43 ± 0,2984%;

8 năm là 14,19 ± 0,0158%;

9 năm là 15,94 ± 0,2862%;

10 năm là 19,75 ± 0,2712%;

15 năm là 19,93 ± 0,7299%.

Nguồn: Vnexpress