Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn bảo vệ rừng cho người dân ở huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei
Làm thế nào để người dân sống được từ rừng, làm giàu từ rừng từ đó gắn bó với rừng, bảo vệ rừng luôn là vấn đề thời sự nóng hổi. Tại tỉnh Kon Tum, việc người dân ở 9 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei phát triển mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đang mang lại lợi ích kép cả về kinh tế lẫn công tác quản lý bảo vệ rừng.
Sau hàng chục năm bảo tồn nguồn giống phát triển diện tích, đến nay tỉnh Kon Tum có trên 500ha sâm Ngọc Linh được trồng ở các xã: Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông. Điều đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh chỉ phát triển dưới tán rừng tự nhiên mà độ che phủ tối thiểu phải đạt 70% và có độ cao từ 1.200 đến 2.500m so với mặt nước biển trong vùng núi thuộc quần thể Ngọc Linh. Bởi vậy muốn trồng được sâm Ngọc Linh, dù muốn hay không điều đầu tiên là phải bảo vệ được rừng.
Anh A Đạt, làng Đăk Viên, xã Tê Xăng cho biết, tình trạng phá rừng để làm nương rẫy đã là chuyện của ngày xưa. Bây giờ bà con trong vùng ai cũng muốn bảo vệ rừng để trồng được sâm Ngọc Linh.
“Bây giờ bà con nơi đây không chặt cây rừng, chỉ phát mấy cây bụi ở dưới. Từ đó làm luống đễ trồng sâm dưới tán rừng” – anh A Đạt chia sẻ.
Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng ở tỉnh Kon Tum có ưu điểm vượt trội, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được rừng một cách bền vững.
Bà Y Xuôi, một người con của dân tộc Sê đăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, đây là lời giải cho bài toán khó đeo đẳng hàng chục năm nay, đó là làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số sống được từ rừng, làm giàu từ rừng và bảo vệ rừng bền vững. Mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cực cao mà còn rất phù hợp với tập quán, trình độ lao động sản xuất và với đặc trưng văn hóa của người Sê đăng là gắn bó với rừng.
“Mình trồng sâm nghĩa là bảo vệ rừng. Mà có rừng thì sẽ có nước; có nước thì có kinh tế. Có kinh tế thì tiếp tục mới phát triển gìn giữ trật tự an ninh, an toàn xã hội và đảm bảo cuộc sống cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Rõ ràng không có một thế lực nào có thể lợi dụng vào đây để mà phá” – bà Y Xuôi bày tỏ.
Trên thị trường, hiện 1kg sâm Ngọc Linh tươi gồm cả củ, lá với mỗi củ nặng một lạng có giá bán trên 120 triệu đồng. Bởi vậy chỉ cần trồng được loài cây đặc hữu này người dân đã cầm chắc cơ hội xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Thực tế cho thấy ở các xã, Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông có không ít hộ dân trồng được hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh trở thành những tỷ phú từ chính núi rừng quê hương. Hiện tại chưa cần khai thác bán củ, hàng năm người dân chỉ cần thu hạt gieo ươm bán cây sâm giống cũng đã có nguồn thu đáng kể.
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, có nguồn thu lớn từ việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nên người dân tự có ý thức bảo vệ rừng. Lợi ích kép là như vậy.
Theo ông Chung: “Để đảm bảo trồng được cây sâm phải có tán rừng, phải giữ được rừng. Môi trường là điều kiện đầu tiên phải có. Phát triển được cây sâm thì người đồng bào có thể làm giàu từ cây sâm. Từ chỗ đấy mọi người sẽ phải bảo vệ rừng và phát triển rừng. Do vậy vấn đề phát nương làm rẫy là hết sức hạn chế. Người ta ý thức rất cao vấn đề sợ mất rừng là mất sâm. Vì vậy, điều này tạo nên một lợi ích kép. Mà tôi nói không những là kép mà đến mấy kép”.
Tại buổi làm việc mới đây với các Bộ, Ngành chức năng Trung ương, tỉnh Kon Tum một lần nữa khẳng định, việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng là không có hoạt động khai thác lâm sản, không ảnh hưởng đến cấu trúc rừng, diễn thế tự nhiên của rừng; đồng thời việc cho thuê rừng đặc dụng để trồng sâm Ngọc Linh sẽ góp phần to lớn trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp rất đồng tình với quan điểm này: “Tôi thấy rằng sâm Ngọc Linh có đặc thù là chỉ phát triển dưới tán lá rừng. Nếu chúng ta sử dụng được rừng này thì chính chúng ta đang bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng để trồng cây. Chúng tôi thấy rằng trồng cây sâm Ngọc Linh không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến một số nội dung mà trong Luật lâm nghiệp chúng ta nêu ra. Vì vậy chúng tôi rất ủng hộ ý kiến xem xét chúng ta cho thuê rừng đặc dụng này”.
Có giá trị dược lý vượt trội với 52 hợp chất Saponin, sâm Ngọc Linh giờ đã là “quốc bảo” như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc khi đến vùng trồng sâm của tỉnh Kon Tum. Để sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia, nâng tầng quốc tế, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và chính quyền tỉnh Kon Tum đã dành sự quan tâm đặc biệt cho sản phẩm đặc hữu này. Một cơ hội lớn đang rộng mở đối với người dân địa phương và đối với sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng trên đỉnh Ngọc Linh, nơi được mệnh danh là nóc nhà của Tây Nguyên, đồng thời cũng là khởi nguồn của nhiều sông suối ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên./.
Nguồn: Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam
Có thể bạn quan tâm:
Tri ân những người “lái đò thầm lặng” với các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh
“Muốn sang phải bắc cầu kiều Muốn con hay chữ phải
Độc đáo sâm Ngọc Linh Tu mơ rông Kon Tum ngâm mật ong
Sâm Ngọc Linh ngâm mật ong rừng là sự kết hợp
Mua hàng tại sâm ngọc linh Tumorong sẽ được đảm bảo chất lượng như thế nào ?
Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh TuMơRông Kon Tum tiền
Lễ hội Sâm Ngọc Linh trên không gian ảo lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Nam
Lễ hội Sâm Ngọc Linh trên không gian ảo phối hợp
Giấc mơ đưa Sâm Ngọc Linh ra ngoài thế giới? Sao lại không?
Tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình gửi Chính phủ về
Sâm Ngọc Linh TuMơRông Kontum tặng quà ‘người hùng’ Nhâm Mạnh Dũng
Sáng ngày 23/5, đại diện Công ty Cổ phần Sâm Ngọc