Làm gì để Sâm Ngọc Linh thành “thương hiệu quốc gia”? (suckhoedoisong.vn)

Đời Sâm Ngọc Linh cũng lắm truân chuyên

Cây Sâm Ngọc Linh được DS. Đào Kim Long phát hiện lần đầu tiên vào năm 1973 tại núi Ngọc Linh ở độ cao 1.800m thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Loại cây này chỉ mọc trên đỉnh núi có độ cao 1.800 – 2.500m, có độ phân cách mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. Ở nước ta, chỉ có một số nơi thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi thường có lượng mưa trung bình cả năm 2.800 – 3.400mm, độ ẩm trung bình 85,5 – 87%, nhiệt độ trung bình từ 14 – 18oC, trên núi cao mới có Sâm Ngọc Linh tồn tại.

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cùng thầy Đào Kim Long và mọi người thắp hương khấn lễ thần núi ở cửa rừng núi Ngọc Linh
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cùng thầy Đào Kim Long và mọi người thắp hương khấn lễ thần núi ở cửa rừng núi Ngọc Linh

Theo Trung tâm Sâm Việt Nam – 1993, Sâm Ngọc Linh là một loài mới, đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam, thuộc 250 loài quý hiếm của nước ta. Có thời điểm sau khi được phát hiện, vì nhận biết được cây Sâm Ngọc Linh rất quý và có giá trị, người dân tại các vùng thuộc Kon Tum và Quảng Nam đã khai thác cạn kiệt; công tác nghiên cứu, quản lý và bảo vệ cây Sâm Ngọc Linh trước kia cũng ít được quan tâm, đầu tư nên loài sâm này được liệt vào “sách đỏ” và có nguy cơ tuyệt chủng.

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang, người luôn tâm huyết, “cháy” hết mình với y học cổ truyền, nhiều lần “băng rừng, lội suối” những năm qua để tìm kiếm, thu thập nguồn dược liệu quý trong tự nhiên cho biết, từ các nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước thời gian qua đã chứng minh Sâm Ngọc Linh của Việt Nam là loại sâm quý hiếm, tốt nhất thế giới hiện nay. “Sâm Ngọc Linh hơn cả sâm Triều Tiên, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ khi có những tính năng, đó là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường và ung thư” – TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.

Trong những năm qua, Sở KH&CN của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã phối hợp các ngành liên quan, các nhà khoa học trong nước triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Để rồi từ “sách đỏ”, đến nay tỉnh Kon Tum đã có tổng diện tích bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đạt trên 300 héc-ta phân bố ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông. Đối với tỉnh Quảng Nam, tổng diện tích sâm trồng và bảo tồn hiện nay hơn 65 héc-ta chủ yếu ở huyện Trà My.

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cùng thầy Đào Kim Long tại vườn Sâm Ngọc Linh.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang cùng thầy Đào Kim Long tại vườn Sâm Ngọc Linh.

Đặc biệt hơn nữa, ngày 16/8, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Sâm củ Ngọc Linh tại các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” là bước đột phá mang tính chiến lược trong phát triển tài sản trí tuệ, là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho sản phẩm có chất lượng đặc thù, đây là cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm Sâm Ngọc Linh ra thị trường trong và ngoài nước, đưa sản phẩm sâm củ trở thành thương hiệu quốc gia…

Tuy nhiên, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (đóng tại huyện Đăk Tô, Kon Tum) còn chút trăn trở, việc cấp giấy đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” mới là khâu ban đầu, “khâu quản lý chất lượng và quảng bá sản phẩm, bảo tồn nguồn gen và tuyển chọn nhân giống mang chỉ dẫn địa lý mới là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định”. Để rõ hơn trăn trở đó, mới đây phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã theo chân TS. Lương y Phùng Tuấn Giang đến vườn Sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông tại núi Ngọc Linh, xã Ngọc Lây… tìm hiểu.

Làm gì để Sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia?

Từ xã Ngọc Lây, chúng tôi phải đi bộ đến chân núi Ngọc Linh, lên vườn sâm có độ cao 1.800m đầy hiểm trở, vắt bám đầy dưới đất, trên cành cây… Để lên được vườn sâm cao phía trước, núp mình dưới những thân cây gỗ lâu năm của rừng già, đòi hỏi người đi phải có sức khỏe và không sợ vắt bám vào người. Có những đoạn đường vách núi dựng đứng, đất trơn trượt. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, hơi lạnh từ những làn sương tỏa khắp không gian. Xua sương, bám đường, đuổi vắt… liên tục trong hơn 3 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng lên được tới vườn Sâm Ngọc Linh ở độ cao 1.800m.

ThS kinh tế Trần Đức An – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông – người trực tiếp quản lý vườn sâm tại núi Ngọc Linh đi cùng chúng tôi cho biết, tổng diện tích khu vườn là 20 héc-ta, hiện nay trồng hơn 4 héc-ta. Theo quan sát của chúng tôi ngay tại vườm Sâm Ngọc Linh, cây sâm được phát triển tự nhiên, vươn mình dưới sự bao bọc, chở che của những tán cây rừng, được làm luống khoa học, được “ăn” bởi chất mùn tự nhiên từ lá cây khô rụng xuống, được “uống” nước mưa và độ ẩm của rừng. Thế nên, cây Sâm Ngọc Linh ở đây lá xanh mơn mởn, mở ra nhiều hứa hẹn cho những người trồng Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum nói riêng và Quảng Nam nói chung.

Tôi đặt câu hỏi cho TS. Lương y Phùng Tuấn Giang ngay tại vườn Sâm Ngọc Linh: “Cá nhân anh và mọi người sẽ làm gì để bảo tồn, phát triển và đặc biệt là nâng cao chất lượng, đưa Sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia để không làm mất giá trị chứng nhận chỉ dẫn địa lý?”. TS. Lương y Phùng Tuấn Giang nhìn những luống Sâm Ngọc Linh, nói: “Hiện nay, việc trồng Sâm Ngọc Linh chỉ mang tính tự phát và kinh nghiệm, chưa có quy trình chuẩn nên chất lượng chưa cao, phát triển không đồng đều, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và phương pháp chăm sóc. Vì thế, chúng ta cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học nghiên cứu cùng nguời dân bản địa sớm nhất một quy trình chuẩn cho nuôi trồng Sâm Ngọc Linh bán tự nhiên”.

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang và anh Trần Đức An theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của Sâm Ngọc Linh tại vườn Sâm Ngọc Linh.
TS. Lương y Phùng Tuấn Giang và anh Trần Đức An theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của Sâm Ngọc Linh tại vườn Sâm Ngọc Linh.

“Thế có cần bảo tồn nguồn gen gốc của Sâm Ngọc Linh không?” – tôi hỏi tiếp, TS. Giang đáp ngay: “Có, đặc biệt cần thiết”. Ông cho rằng, do cây sâm trồng bán tự nhiên, nếu điều kiện tự nhiên và chế độ chăm sóc không tốt sẽ bị thoái hóa giống. Mặt khác, do nguồn sâm được lấy hạt từ nhiều nơi, nhiều vườn không trồng một loại sâm mà trồng thêm nhiều cây khác nên nguy cơ thoái hóa giống và không còn thuần chủng là rất cao. Chúng ta cần phải bảo tồn nguồn gen gốc của cây Sâm Ngọc Linh bán tự nhiên. Để làm được điều này thì cần phải làm tốt khâu tuyển chọn giống. Nghĩa là chúng ta cần đưa các nhà khoa học vào tuyển chọn bằng di truyền phân tử những giống sâm đạt năng suất, đồng đều chất lượng, chịu được thời tiết… Cần ra đời một vài loại giống chuẩn cho Sâm Ngọc Linh, tăng năng suất chất lượng cho vùng trồng.

“Theo tôi, quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản Sâm Ngọc Linh cũng quan trọng?” – tôi tiếp tục đặt câu hỏi. TS. Giang ve vuốt tán lá cây Sâm Ngọc Linh trước mặt rồi trả lời: Việc thu hoạch, chế biến, bảo quản Sâm Ngọc Linh hiện nay vẫn mang tính tự phát, chưa có quy trình chuẩn nên chất lượng Sâm Ngọc Linh sau thu hoạch vẫn còn không đồng đều, chất lượng chưa thật tốt. Chúng ta cần đưa ra các chỉ tiêu: Sâm Ngọc Linh bao nhiêu năm thu hoạch là tốt nhất? Thời gian nào thu hoạch? Phương pháp và kỹ thuật thu hoạch? Quy trình chế biến bảo quản sâm khô thành phẩm và sâm lát,… cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học.

Di chuyển lại gần anh Trần Đức An, tôi hỏi anh về việc xây dựng thương hiệu quản lý chất lượng cho Sâm Ngọc Linh. Anh An chia sẻ: Tại Hàn Quốc, Trung Quốc, sâm được nuôi trồng ở nhiều nơi nhưng thương hiệu sâm ở dãy núi Trường Bạch mới là sâm tốt. Chúng ta cần xây dựng một thương hiệu cho vùng đã được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Sâm Ngọc Linh để người dân không những trong nước mà quốc tế ai cũng biết tới. “Cần thành lập Hiệp hội Sâm Ngọc Linh Việt Nam, cần có một đơn vị đại diện và bảo hộ cho những người quan tâm tới Sâm Ngọc Linh. Hiệp hội sẽ giúp đỡ cho những người trồng Sâm Ngọc Linh bán được sâm với giá ổn định, không phải bán theo thời vụ như hiện nay. Người tham gia Hiệp hội sẽ đoàn kết giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau cùng phát triển” – anh Trần Đức An cho biết.

Trong khi đó, cũng vấn đề này, TS. Phùng Tuấn Giang đưa ra ý kiến, chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý và cho phép dùng công cụ hỗ trợ bảo vệ cho các doanh nghiệp trồng Sâm Ngọc Linh, do sâm rất đắt và quý hiếm (với mức giá hiện tại của sâm trồng 30 – 45 triệu đồng/kg thì giá trị của khu vườn Sâm Ngọc Linh ở xã Ngọc Lây, với hơn 4 héc-ta có thể lên đến vài chục tỷ đồng và giá trị này ngày càng nhân lên theo thời gian) nên nguy cơ bị lấy cắp là rất cao. Những người trồng Sâm Ngọc Linh, trồng thì mất nhiều thời gian, đầu tư mang tính dài hạn nhưng đứng trước nguy cơ đầu tư rủi ro rất lớn.

Không những thế, trong việc xây dựng các sản phẩm sâm thành phẩm và các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ Sâm Ngọc Linh, chúng ta cần đưa công nghệ vào chế biến các sản phẩm chất lượng cao từ Sâm Ngọc Linh, tăng sinh khả dụng, tiết kiệm nguyên liệu,… Tiêu thụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời cần xây dựng các nhóm sản phẩm liên quan tới văn hóa vùng miền thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Một ý tưởng theo tôi rất độc đáo mà cả TS. Phùng Tuấn Giang và anh Trần Đức An đưa ra, đó là hãy phát triển du lịch địa phương gắn với du lịch vườn sâm để bán các sản phẩm từ sâm nhằm phát triển du lịch bản địa.

Theo Hoa Quỳnh

Link gốc: httpss://suckhoedoisong.vn/lam-gi-de-sam-ngoc-linh-thanh-thuong-hieu-quoc-gia-n122259.html