Đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia và chiêm ngưỡng “Báu vật đại ngàn”

Từ nay đến hết năm 2019, người dân Thủ đô và du khách thập phương sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng “Báu vật đại ngàn” sâm Ngọc Linh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (216 Đường Trần Quang Khải, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm). Trong ngày đầu tiên khai mạc, triển lãm đã vinh dự được đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương tới dự.

Tại Bảo tàng, hơn 200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh về cây sâm Ngọc Linh – loài dược liệu quý hiếm của Kon Tum sẽ được trưng bày. Đây là cơ hội để người dân Thủ đô và du khách thập phương hiểu hơn về nguồn gốc, lịch sử, giá trị và trách nhiệm bảo tồn “Quốc bảo của dân tộc”.

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi triển lãm.

Triển lãm “Di sản Văn hóa Sâm Ngọc Linh Kon Tum – Báu vật đại ngàn” khai mạc sáng 20/1 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương dự triển lãm.

 

Những cây sâm còn sống được đưa từ đỉnh núi Ngọc Linh, Kon Tum xuống trồng tại khuôn viên triển lãm. Đại diện ban tổ chức cho hay, triển lãm không chỉ giới thiệu tới người xem các sản phẩm sâm Ngọc Linh mà còn là mô hình khép kín từ việc ươm cây tới trồng, chăm sóc và thu hoạch loại sâm quý này.

 

Củ sâm Ngọc Linh có chiều dài gần 20 cm cùng chế phẩm từ sâm.
Những củ sâm Ngọc Linh có tuổi trên 20 năm được trưng bày trong tủ kính lớn.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo thăm vườn sâm trong triển lãm. Theo lãnh đạo Chính phủ, Kon Tum không chỉ giàu bản sắc văn hóa mà còn phong phú về tài nguyên thiên nhiên, là nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm, đặc biệt là sản vật sâm Ngọc Linh, một trong những dược liệu quý, đặc hữu của Việt Nam, một trong những loài sâm tốt nhất thế giới. “Tôi tin tưởng rằng giá trị văn hóa đặc sắc, sự trù phú của vùng đất, sự ưu ái của thiên nhiên là thế mạnh để tương lai gần Kon Tum sẽ trở thành một điểm sáng về sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa, chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phổ biến trên thế giới”, ông nói.

 

Một số hiện vật khảo cổ được trưng bày tại triển lãm. Thủ tướng đánh giá, Triển lãm bước đầu thể hiện được sự đổi mới hoạt động của bảo tàng với nội dung và hình thức sinh động kết hợp ứng dụng công nghệ mới, tạo được tính hấp dẫn và có khả năng thu hút khách tham quan. Triển lãm sẽ mở cửa đến hết năm 2019.