Mất tiền tỉ, chàng thạc sĩ kinh tế “trở mình” nhờ kiên trì trồng sâm

Khởi nghiệp lần đầu tiên bị thất bại, mất trắng 2 tỉ đồng, thạc sĩ kinh tế Trần Đức An đã vực dậy, ngược đường trở lại vạch xuất phát để đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh có “chỗ đứng” trên thế giới.

“Nông dân xin chào” số vừa phát sóng là sự xuất hiện của anh Trần Đức An (Giám đốc điều hành CTCP Sâm Ngọc Linh Tumorong).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống gắn bó lâu đời với các cây thuốc, dù đã là Thạc sĩ kinh tế và có nhiều cơ hội lập nghiệp, nhưng chính chữ “duyên” trong nghề đã kéo anh Trần Đức An về với đam mê bảo tồn các vị thuốc quý. Trong một dịp tình cờ, anh nghe mẹ nói mua nhiều sâm nhưng không bán được.

Chứng kiến khó khăn của gia đình, anh đã đăng thông tin lên các trang rao vặt trực tuyến và nhanh chóng bán được hàng, thu lợi nhuận cao. Từ câu chuyện đó, chàng nông dân trẻ nhận thấy được tiềm năng và thị trường sâm Ngọc Linh là rất lớn. Năm 2011, anh quyết định nghỉ dạy ở trường, chuyển hẳn sang kinh doanh.

Để có thương hiệu sâm Ngọc Linh phát triển với quy mô lớn như hiện nay, người nông dân trẻ tài ba này đã trải qua nhiều khó khăn.

Ở lần trồng thử nghiệm đầu tiên, anh thất bại khi toàn bộ những giống cây con anh thu mua được có giá trị gần 300 triệu đồng đã mất trắng. Không nản chí, trong lần trồng sâm thứ hai, anh An tìm được nơi trồng sâm phù hợp tại huyện Tu Mơ Rông.

Lúc này, cây sâm phát triển rất tốt trong năm đầu tiên, tỷ lệ sâm chết rất ít. Tuy nhiên, một vấn đề không may đã xảy ra, trận lũ lụt lớn đã quét toàn bộ những cây sâm đang phát triển xanh tốt theo dòng nước.

Sau hai lần trồng sâm tiêu tốn hàng tỉ đồng, anh vẫn mạo hiểm quyết định trồng lần 3 và may mắn đã mỉm cười. Anh Đức An hiện sở hữu vườn sâm Ngọc Linh rộng 5 hecta.

Cũng nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của mình, anh được trao tặng giải thưởng Top 10 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019.

Tuy nhiên, điều mà anh Đức An cảm thấy hối tiếc nhất ở hiện tại khi quyết định gắn bỏ cuộc đời mình với cây sâm Ngọc Linh là ở xa gia đình vì lo phát triển thị trường nên thời gian chăm sóc bố mẹ không nhiều. “Cứ chạy đi, chạy về trên vườn cũng rất là vất vả”, anh nói.