Giật mình trước “công nghệ” biến củ ráy thành sâm Ngọc Linh

Ai cũng biết sâm Ngọc Linh là loài sâm quý, rất tốt cho sức khỏe. Thế nhưng loại sâm này rất hiếm, không phải vùng đất nào cũng có thể nuôi trồng sâm Ngọc Linh đạt tiêu chuẩn. Ấy vậy mà không ít dân buôn tung ra thị trường những sản phẩm sâm Ngọc Linh giả, kém chất lượng. Thậm chí có những kẻ gian thương còn “hô biến” củ ráy thành củ sâm để lừa người tiêu dùng.

Tháng 7/2012, trong chuyến xuyên rừng gần nửa tháng, tôi có dịp tiếp cận với một số dân buôn sâm Ngọc Linh và nghe được nhiều thủ thuật biến loại củ gáy (củ ráy) có độc thành sâm Ngọc Linh. Với công nghệ này, chỉ với vốn đầu tư vài trăm ngàn đồng, khi câu được “cá”, tay buôn sẽ thu về từ 30-40 triệu đồng. Trong trường hợp câu được “cá mập”, có kẻ ẵm đến cả trăm triệu đồng. Tin được không?

Sâm Ngọc Linh là cách gọi dân gian mà nhiều người quen dùng gắn với địa danh mà loài sâm quý này được tìm thấy. Thực chất, trong y văn, các y sư, y gia ghi sâm Ngọc Linh là “sâm Việt Nam”. Cây này thuộc họ nhân sâm, là cây thảo sống lâu năm, có chiều cao từ 40cm đến 1m, thân rễ dạng củ, chia thành nhiều mắt (nên còn được gọi sâm trúc) có thể dài đến 1m.

Y học cổ truyền Việt Nam ghi nhận tính vị và tác dụng của sâm Ngọc Linh là có vị đắng, không độc, thân rễ được dùng như nhân sâm làm thuốc bổ tăng lực, chống suy nhược và hồi phục sức khỏe, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng. Ở liều thấp, sâm Ngọc Linh giúp tăng vận động, tăng trí nhớ. Ở liều cao loại sâm quý này giúp tăng sinh lực, chống lại sự mệt mỏi, làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống. Một số tài liệu y văn còn cho biết sâm Ngọc Linh có tác dụng bảo vệ tế bào, tăng nội tiết số sinh dục, kháng viêm, điều hòa hoạt động của tim, hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch, kháng khuẩn…

Vườn sâm Ngọc Linh của công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh TuMơRông Kon Tum

Sâm Ngọc Linh có giá trị dược liệu cao, quý hiếm nên có giá hàng chục triệu đồng/kg cũng là chuyện bình thường. Nhưng chính giá ấy đã khiến nhiều con buôn tung các độc chiêu bẫy mồi, biến củ ráy (hay còn gọi là củ gáy) thành sâm Ngọc Linh để hốt bạc. Cây gáy là loại cây độc phân bố khắp núi rừng Việt Nam, cây này có lá hình trái tim thuôn dài, thân mềm, cao 0,3-1,5m, rễ phát triển thành củ dài có nhiều đốt ngắn…

Cây gáy có độc, độc đến độ khi cần đào làm thuốc, người ta phải đeo găng tay vì sợ mủ từ loại cây thuốc có độc tính này dính vào người sẽ gây phồng rộp, ngứa ngáy. Vậy nhưng dân buôn dược liệu không ngại biến cây này thành sâm Ngọc Linh.

Củ ráy được “mông má” thành sâm Ngọc Linh

Theo đó, 1kg củ gáy chỉ một hai trăm ngàn, qua sơ chế chẳng tốn kém gì mấy, nó đội giá lên đến từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Lợi nhuận lớn nên nhiều tay lao vào bán buôn lắm. Vậy thì họ biến củ gáy thành sâm Ngọc Linh như thế nào?

Trải qua thời gian “nằm vùng”, cuối cùng tôi biết được “công nghệ” hô biến củ ráy thành sâm Ngọc Linh. Củ gáy lấy về rửa sạch, luộc từ 3-5 nước cho chín, cho phân hủy hết các chất độc, sau đó phơi 2-3 nắng cho bay bớt nước. Tiếp đến dùng kim châm rồi nhúng củ gáy vào dung dịch corticoid đậm đặc một đêm, hôm sau mang ra phơi nắng. Sau dăm bảy bận như vậy thì mang củ gáy ngâm vào “nước cốt” hồng đẳng sâm. Cứ ngâm và phơi đúng một tuần thì lúc này, củ gáy sẽ không còn chất độc, mà ngược lại có mùi sâm.

Sâm Ngọc Linh trồng

Đúng là độc chiêu của dân buôn sâm Ngọc Linh! Chả trách nhiều người lại bị che mắt. Thế nên để tránh “tiền mất tật mang” người tiêu dùng hãy “bỏ túi” cách phân biệt Sâm Ngọc Linh thật, giả trên thị trường và tìm đến đơn vị cung cấp sâm Ngọc Linh chất lượng đã được cấp phép.

 

Nguồn: An ninh thế giới